Wilkie Collins
Wilkie Collins sinh ngày 8.1.1824 tại vùng quê Baywater của nước Anh, là con trưởng của William Collins, một họa sĩ có nhiều thành đạt, viện sĩ Viện hàn lâm Hoàng gia. Wilkie Collins có người em trai sau trở thành họa sĩ. Ông mất ngày 23.9.1889.
Thời thơ ấu, W. Collins cùng em sống ở quê với mẹ, trong khi đó, người cha sống ở ngôi nhà sang trọng tại London, thỉnh thoảng mới gửi thư về nhắc vợ con sinh hoạt tằn tiện và đi lễ nhà thờ đều đặn.
Ngay từ thơ ấu, W. Collins đã không làm theo những lời người cha viết trong thư, mà sớm có tư tưởng tự do. Đặc biệt, W. Collins đã quyết không bao giờ thực hiện lời căn dặn của người cha: “Con phải tạo nên những mối quan hệ có lợi cho mình trong cuộc sống.” Vào tuổi thành niên, Wilkie Collins đã mạnh dạn từ chối công việc ở các văn phòng môi giới thương mại mà người cha đã sắp xếp cho. Năm W. Collins 22 tuổi thì người cha qua đời, nên chàng trai phải tự quyết định lấy nghề nghiệp và tương lai. Những năm ấu thơ, W. Collins đã từng mơ ước thành nhà thám hiểm hoặc làm thủy thủ viễn dương. Nhưng thể chất gầy gò ốm yếu, nên không thể thực hiện được mơ ước ấy, ông quyết định sẽ trở thành nhà văn. Và Wilkie Collins đã viết tác phẩm đầu tay trong mối thương cảm đối với cuộc đời người cha: Cuộc đời Viện sĩ hàn lâm Hoàng gia.
Cuộc sống của Wilkie Collins là một sự pha trộn kỳ quặc những gì đáng kính với những sự tầm thường, của những ứng xử thận trọng với những hành sự táo bạo lạ lùng. Ông kết giao với những họa sĩ cùng nhóm em trai mình. W. Collins đặc biệt thân thiết với nhà văn Charles Dickens, tới mức hai người có nhiều chuyến cùng du lịch ra nước ngoài, là đồng sự trong việc làm báo nhiều năm. W. Collins vẫn thường xuyên về quê nhà để viết và sống bên mẹ. Cho đến năm 32 tuổi thì ông rời quê hương ra đi mãi mãi. Việc W. Colins dứt bỏ quê nhà là do ông bị những người ở quê chê trách đến mức sỉ nhục, bởi ông đã chung sống với Carollin Grave, một phụ nữ 20 tuổi đã có một đứa con gái và dường như có một người chồng ở đâu đó. Dù đã gắn bó sâu sắc với nhau, Wilkie Collins vẫn không muốn cưới Carollin ngay cả khi nàng đã hoàn toàn tự do. Thậm chí W. Collins còn chấp nhận việc Carollin Grave lấy một người chồng làm nghề thợ hàn, và ông đã đến dự đám cưới của họ. W. Collins còn gắn bó với một người phụ nữ nữa, là Martha Rudd, và họ có với nhau ba người con. Thế rồi, khi hôn nhân của Carollin tan vỡ, nhà văn tương lai lại về sống với người tình cũ.
Một thiệt thòi lớn đối với nhà văn thiên tài Wilkie Collins là thể chất của ông rất yếu ớt. Mới ba mươi tuổi, ông đã bị thấp khớp nặng, và luôn phải chịu những cơn đau đớn. Các bác sĩ xác định, đó là chứng thấp khớp tụ máu. Chống đỡ với bệnh tật, W. Collins phải gắng hết sức lực. Vậy mà, chỉ đỡ đau là ông đã viết, viết hết tiểu thuyết này đến tiểu thuyết khác. Các nhà xuất bản luôn muốn có bản thảo của Wilkie Collins. Và, ông đã liên tiếp cho ra đời hơn ba mươi tiểu thuyết, trong đó có những bộ sách làm vinh dự cho nền văn học Anh và châu Âu, như Đá mặt trăng (The moonstone), và đặc biệt là Người đàn bà trong bộ đồ trắng (The woman in white). Ông là nhà văn đã lao động vô cùng cực nhọc và đau đớn về thể xác, bởi luôn phải dùng biệt dược có thuốc phiện liều cao, càng ngày càng cao, để giành lấy những phút êm đềm mà viết. Đến mức, trong những năm cuối đời, một liều thuốc Wilkie Collins dùng, như bác sĩ điều trị của ông nói rằng, có thể làm chết bất cứ một người nào không quen dùng từ trước… Và rồi, ngày 23–9–1889, Wilkie qua đời tại nhà riêng, có để lại bản di chúc hướng dẫn rất cụ thể việc phân chia những gì còn lại của ông.
Đám tang nhà văn danh tiếng Wilkie Collins không có nhiều người đến dự. Điều đó cho thấy cuộc đời ông chịu biết bao mối giằng giật. Giới có địa vị xã hội không ưa đời tư của ông. Người bạn tình Carollin Grave cùng đứa con gái đã ở bên W. Collins lúc ông qua đời. Bà Martha Rudd và ba người con mà lúc sinh thời W. Collins hay gọi là gia đình nhỏ không môn đăng hộ đối, cũng chỉ gửi một vòng hoa cúc trắng đến viếng ông. Một bạn gái của nhà văn, bà Millais, cảm thấy không thể đối mặt với những người trong gia đình Wilkie Collins, chỉ cho một chiếc xe ngựa chở riêng một vòng hoa đưa tang để tỏ lòng quý trọng. Nhưng, những độc giả yêu quý nhà văn đã đến tang lễ với nỗi thương cảm đặc biệt. Theo di chúc của Wilkie Collins, người ta mua một miếng đất ở nghĩa trang Kensal Green để đặt mộ ông, và một cây thánh giá bình thường dựng bên mộ chí. Không có băng tang, không có gì cầu kỳ trong tang lễ, chi phí toàn bộ lễ tang không quá 20 Bảng (pound). Trên bia mộ, khắc tên tuổi nhà văn, và khắc thêm dòng chữ: Tác giả Người đàn bà trong bộ đồ trắng… Cách vĩnh biệt cõi đời của Wilkie Collins thật sự chỉ có vậy!
Cứ như trên bia mộ của Wilkie Collins, ta thấy nhà văn ý thức rất rõ giá trị của tiểu thuyết Người đàn bà trong bộ đồ trắng (NĐB…), mặc dù Đá mặt trăng hoặc Vô danh (No name) cũng được người đời coi là những đóng góp rất đáng kể cho nền văn học Anh thế kỷ XIX. Tiểu thuyết NĐB… là một tác phẩm bất hủ trong văn chương Anh và thế giới, chống lại cái ác trong cuộc đời. Chưa từng có nhà văn nào thể hiện một cách tài tình cuộc chiến đấu và chiến thắng của cái thiện đối với cái ác bi tráng đến thế. Những nhân vật W. Collins sáng tạo nên đầy cá tính và hết sức sống động trong một mạch truyện cuồn cuộn, khiến tâm trí độc giả bị cuốn theo không cưỡng nổi. Nổi bật nhất là nhân vật nữ Marian Halcombe, sau này, người ta coi là một sáng tạo độc đáo của Wilkie Collins thiên tài. Nhà thơ danh tiếng của nước Anh thời đó, Edward Fitzgeral (1809–1883), do quá hâm mộ nhân vật của W. Collins, đã đặt tên cho chiếc du thuyền tuyệt đẹp của mình là Marian Halcombe. Ngay khi mới ra đời, tiểu thuyết NĐB… đã trở thành tác phẩm được quan tâm đặc biệt ở cả hai khu vực, Anh và Mỹ. Tại nước Anh, bắt đầu từ ngày 29–4–1859, NĐB… được đăng tải trên Tạp chí Quanh năm (All the years round) do Charles Dickens làm chủ bút; đồng thời ở Mỹ, nó cũng được in trên Tạp chí Người chơi đàn hạc (Harper’s magazine). Tạp chí Quanh năm vốn khởi đầu một cách tuyệt diệu với việc đăng tải tác phẩm Truyện về hai thành phố (A tale of two cities) của Charles Dicken, và đến khi bắt đầu đăng tải NĐB… thì còn tuyệt diệu hơn nữa: Tira tăng lên không ngừng. (Và sau này, đến tháng 8–1860, khi đã đăng trọn tiểu thuyết NĐB…, thì ấn bản lại giảm tụt hẳn). Như một hiện tượng xã hội lớn, hàng ngày, người xếp hàng đông đúc trước tòa báo Quanh năm ở Anh, và tòa báo Người chơi đàn hạc ở Mỹ, để đón mua kỳ tiếp theo của NĐB… Thủ tướng Anh thời đó là Gladson đã có lần hoãn một buổi hẹn để được đọc ngay phần tiếp theo của tiểu thuyết NĐB… Khi bộ tiểu thuyết này được in thành sách, gồm ba tập, Hoàng tử Albert đã là người mua sớm nhất, và ông còn gửi tặng một bộ cho người bạn thân thiết nhất của mình là Nam tước Storkmar. Tác phẩm NĐB… nhanh chóng được dịch ra nhiều thứ tiếng, in ở khắp châu Âu, và ở đất nước nào cũng được độc giả vồ vập, quý trọng. ở nước Nga, Wilkie Collins được hoan nghênh rất nhiệt liệt. Về sau, các nhà điện ảnh Xôviết đã dựng tiểu thuyết NĐB… thành một tác phẩm điện ảnh lớn, và một lần nữa, các nhân vật do W. Collins sáng tạo nên, lại làm rung cảm hàng triệu trái tim của người dân Xôviết…
Sau khi xuất bản NĐB… Wilkie Collins trở thành người có danh tiếng bậc nhất trong các văn nghệ sĩ nước Anh đương thời. Công chúng luôn săn đón ông để tỏ lòng ngưỡng mộ. Khi đó, nhiều người đã coi Wilkie Collins và Charles Dickens là hai thiên tài văn chương của nước Anh, có sự cạnh tranh nhau trong nghề nghiệp và hầu như kẻ tám lạng người nửa cân… Nhưng, cũng từ sau khi xuất bản bộ tiểu thuyết ấy, sức khỏe của W. Collins cạn kiệt nhanh chóng. Mười lăm năm cuối đời, ông như một người tàn phế, mòn mỏi trong bệnh tật và những đau khổ trong tình cảm riêng tư. Cách vĩnh biệt trần thế của Wilkie Collins thật lặng lẽ và khiêm nhường. Vâng, thật khiêm nhường, bởi ông di chúc cho việc dựng bia mộ của mình, chỉ ghi tên một tác phẩm là Người đàn bà trong bộ đồ trắng. Có thể, chính Wilkie Collins biết rằng, bộ tiểu thuyết này sẽ thay ông sống mãi trong thế giới con người. Thực tế cho thấy, hơn một trăm sáu mươi năm qua, nhiều thế hệ bạn đọc văn chương ở nước Anh cũng như nhiều nước trên thế giới vẫn yêu quý, say mê thiên tiểu thuyết đặc sắc đó. Và, như cách nói của nhà thơ kiêm kịch tác gia kiệt xuất người Anh (gốc Mỹ), Thomas Eliot (1888–1965), giải Nobel về văn chương năm 1948, Người đàn bà trong bộ đồ trắng là thiên tiểu thuyết hay nhất thời đại của Wilkie Colins, và nó mãi mãi là một thiên tiểu thuyết bi kịch rực rỡ!