Đang xử lý

Denis Diderot

( 0 )

Denis Diderot (1713-1784) sinh ngày 5.10.1713 là nhà văn, nhà tư tưởng kiệt xuất, một trong những nhân vật khổng lồ, ưu tú nhất của phong trào Khai sáng ở Pháp thế kỷ XVIII.

Sau khi xong bậc trung học, mặc dù cha ông muốn ông tìm việc làm, nhưng ông âm thầm theo học khoa Triết, Toán và cả Giải phẫu. Ra trường, ông tham gia làng báo và say mê viết lách.

Năm 36 tuổi, ông cho ấn hành tập tiểu luận nhỏ “Lá thư về những người mù cho những người sáng đọc”. Tập tiểu luận này đã khiến ông vào tù 3 tháng do bị cho là đụng chạm đến nhà cầm quyền thời đó. Năm 1751, ông cùng với Jean le Rond d'Alembert chủ biên bộ “Bách khoa toàn thư” đầu tiên trên thế giới, giảng giải về khoa học, nghệ thuật và nghề nghiệp. Bên cạnh đó, ông viết nhiều vở kịch, tiểu thuyết cùng những bài biên khảo về nghệ thuật, xác định những quy tắc của thể loại kịch, sáng lập môn phê bình nghệ thuật. Làm việc cần cù song ông vẫn nghèo. Mến mộ ông, Nữ hoàng Catherine II của Nga đã chu cấp tiền bạc cho ông hàng năm. Năm 1773, ông sang Nga để tạ ơn Nữ hoàng và được mời làm Viện sĩ danh dự nước ngoài Viện Hàn lâm Khoa học St. Pertersbug.

Trong các tác phẩm triết học: Lá thư về những người mù cho những người sáng đọc (1749), Những suy nghĩ giải thích giới tự nhiên (1754), Giấc mơ của d'Alembert (1769), Những nguyên tắc triết học của vật chất và vận động (1770), Diderot đã chống lại chủ nghĩa duy tâm chủ quan. Trong tác phẩm "Người cháu họ của Rameau" viết khoảng năm 1762, ông nêu ra những luận điểm của phép biện chứng.

Trong văn học, Diderot đấu tranh cho chủ nghĩa hiện thực với tiểu thuyết "Jacquies - kẻ theo thuyết định mệnh và ông chủ của anh ta" (1773) và truyện ngắn "Nữ tu sĩ" (1760), mà ông đã tiến hành đồng thời trong các tác phẩm phê bình nghệ thuật tạo hình "Các phòng triển lãm" (1759-1781) và sân khấu "Nghịch lý về diễn viên" (1773-1778).

Ông mất ngày 31-7-1784 tại Paris, Pháp.

Ngoài các tác phẩm triết học, văn chương, ông còn là người biên soạn chính của công trình Bách khoa toàn thư đồ sộ mà giá trị của nó đến nay vẫn còn phát huy tác dụng.

Góc đối thoại

Chưa có nhận xét

Thảo luận