Đang xử lý

Astrid Lindgren

( 0 )

Astrid Anna Emilia Lindgren (họ gốc là Ericsson) (14 tháng 11 năm 1907 – 28 tháng 1 năm 2002) là nhà văn, nhà biên kịch người Thụy Điển.

Bà nổi tiếng với các tác phẩm dành cho thiếu nhi như Pippi tất dài, Karlsson trên mái nhà; Mio, con trai ta.

Đến tháng 5 năm 2013, theo khảo sát của tổ chức UNESCO, Astrid Lindgren đứng thứ 18 trong số những nhà văn có tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất thế giới và sách của bà đã bán được khoảng 114 triệu bản trên toàn cầu.

Thời thơ ấu

Astrid được nuôi dưỡng trong tình thương yêu và che chở của cha mẹ ở thái ấp Näs gần thành phố Vimmerby, hạt Småland. Tuổi thơ của Astrid là khoảng thời gian hạnh phúc. Bà cùng với anh chị em của mình thường đùa vui trong khuôn viên tươi mát của thái ấp Näs. Tuy nhiên, những tháng ngày thơ ấu không chỉ có chơi bời.

Thái ấp luôn cần sức lao động và những đứa trẻ nhà Ericsson cũng chia sẻ công việc với người làm nông trại. Một trong những người làm có cô con gái tên là Edit. Trong nhà bếp của cô gái, Astrid được nghe những câu chuyện cổ tích đã thổi bùng đam mê đối với sách – một niềm đam mê cháy mãi suốt cuộc đời của bà.

Ở trường học, năng khiếu viết lách của Astrid bộc lộ và sau khi có bài đăng trên tờ Vimmerby Times, cô đạt được bút danh Vimmerby’s Selma Lagerlöf. Astrid sau đó gia nhập tờ báo với vai trò cộng tác viên tình nguyện. Sau hai năm làm việc cho Vimmerby Times, cô nghỉ việc. Astrid lúc này đã 18 tuổi và đang mang thai nhưng lại không muốn sống chung với cha của đứa bé lẫn sống ở thành phố Vimmerby.

Cuộc sống mới

Astrid rời Vimmerby và tự lập cuộc sống của mình ở Stockholm bằng công việc đánh chữ với tốc độ cao. Kỹ năng này hóa ra lại có ích cho cô sau đó.

Năm 1928, khi làm thư ký ở câu lạc bộ Royal Automobile, Astrid gặp chồng tương lai của mình, trưởng phòng hành chính, Sture Lindgren.

Sau chiến tranh, giao thông ở Châu Âu được thông tỏa và Astrid hạnh phúc khi đi cùng Sture trong những chuyến công tác xa của anh. Đôi khi họ đi bằng xe ô tô của đồng nghiệp (Cả Sture và Astrid đều không có bằng lái xe).

Trước khi căn hộ ở Vulcanusgatan trở nên chật chội cho cả gia đình lúc này đã bao gồm Astrid, Sture và hai đứa con Lasse và Karrin, năm 1941, họ dời đến Dalagatan. Đây cũng là nơi Astrid sống đến cuối đời.

Gia đình Astrid trải qua mùa hè ở thành phố Furusund ở quần đảo Stockholm, nơi bà yêu quý nhất trên trái đất. Đây chính là vùng đất đã gợi cảm hứng cho Astrid viết những câu chuyện về đảo Seacrow.

Vai trò mới

Khi tác phẩm đầu tay Pippi tất dài xuất bản vào năm 1945 bởi nhà xuất bản Rabén & Sjögren, nó đã thay đổi cuộc sống của Astrid. Quyển sách đã thành thành công vang dội, được yêu thích bởi trẻ em lẫn người lớn trên toàn thế giới.

Một năm sau, Astrid Lindgren bắt đầu làm biên tập viên sách thiếu nhi cho Rabén & Sjögren và sớm đảm nhiệm vai trò xuất bản sách thiếu nhi. Bà sáng tác truyện, bằng cách viết tốc ký trên giường ở nhà (tại Dalagatan) cho tới 11:30 sáng. Đến buổi trưa, bà ghé nhà xuất bản để làm công việc của biên tập viên bao gồm gặp gỡ các tác giả, họa sĩ, biên tập bản thảo và quyết định quyển sách nào sẽ được xuất bản. Bà làm việc cho Rabén & Sjögren đến khi nghỉ hưu vào năm 1970.

Chồng của Astrid lâm bệnh vào năm 1950, và mất vào năm 1952 khi ông mới được 53 tuổi.

Tiếng nói của cộng đồng

Từ cuộc sống của một người nội trợ bình thường, nay Astrid đã là tác giả nổi tiếng. Danh tiếng đi kèm với một thực tế là bà thường xuyên trở thành trung tâm của sự chú ý trong khi đời sống riêng tư của bà ngày càng bị thu hẹp. Tuy không mấy thoải mái với ý tưởng làm người của công chúng, nhưng Astrid đã khởi xướng cuộc tranh cãi về chính sách thuế của Thụy Điển vào năm 1976 và điều này góp phần vào sự sụp đổ đảng Xã hội Dân chủ sau hơn 40 năm cầm quyền.

Đây là lần đầu tiên Astrid tham dự chính trị một cách nghiêm túc. Mà đó cũng không phải là lần cuối cùng. Hai năm sau, bà nhận giải Hòa bình của German Book Traders và bài phát biểu của Astrid tại buổi lễ trao giải đã khởi phát cuộc tranh luận quốc tế về việc áp dụng nhục hình trong việc nuôi dạy trẻ. Bà giữ vai trò tích cực ở phía “chống” trong buổi trưng cầu dân ý ở Thụy Điển liên quan đến năng lượng hạt nhân vào năm 1980. Bà cũng tham gia cuộc vận động chống giết hại động vật; kết quả là đạo luật bảo vệ động vật mới được ban hành.

Ở tuổi 91, Astrid bị đột quỵ và cảm thấy vô cùng khó khăn trong việc đi lại lẫn xuất hiện trước công chúng. Đến tháng 2 năm 2002, Astrid Lindgren qua đời tại ngôi nhà ở Dalagatan. Tang lễ được cử hành vào ngày 8 tháng 3, ngày Quốc Tế Phụ Nữ. Những con đường ở Stockholm chật kín đoàn người đưa linh cữu Astrid Lindgren đến nơi yên nghỉ tại nhà thờ lớn, trong một khu phố cổ ở Stockholm.

Tác phẩm tiêu biểu:

  • Britt-Mari lättar sitt hjärta, 1944
  • Loạt truyện về Pippi Longstocking, 1945 – 2000 (Đã xuất bản ở Việt Nam với tựa Pippi tất dài, NXB Văn Học, 2008, 2011)
  • Loạt truyện về Karlsson on the Roof, 1955 – 1968 (Đã xuất bản ở Việt Nam với tựa Karlsson trên mái nhà, NXB Văn Học, 2008)
  • Loạt truyện về Emil of Lönneberga, 1963 – 1999 (Đã xuất bản ở Việt Nam với tựa Lại thằng nhóc Emil!, NXB Hội Nhà Văn, Nhã Nam, 2011)
  • Loạt truyện về Bill Bergson, 1946 – 1953
  • Loạt truyện về Madicken, 1960 – 1993
  • Ronia the Robber's Daughter, 1981
  • The Six Bullerby Children/ The Children of Noisy Village, 1947
  • Mio, My Son, 1954 (Đã xuất bản ở Việt Nam với tựa Mio, con trai ta, NXB Hội Nhà Văn, Nhã Nam, 2008)
  • The Brothers Lionheart, 1973 (Đã xuất bản ở Việt Nam với tựa Anh em Sư tử Tâm, NXB Hội Nhà Văn, Nhã Nam, 2010)

Góc đối thoại

Chưa có nhận xét

Thảo luận