Nguyễn Văn Xuân
Nguyễn Văn Xuân (1921-2007), là một học giả, nhà văn và nhà giáo Việt Nam. Quê quán: Thanh Chiêm, Điện Phương, Điện Bàn, Quảng Nam. Lúc nhỏ, ông học ở quê, sau ra học ở Huế. Năm 16 tuổi, ông bắt đầu tự học và tập viết văn. Năm 1939, truyện ngắn đầu tay Bóng tối và ánh sáng được chọn đăng trên tạp chí Thế giới (Hà Nội) và được trao giải nhất. Sau đó, ông lần lượt cộng tác với các báo như: Bạn dân (Hà Nội), Thế giới (Hà Nội), Mới (Sài Gòn), Văn Lang (tạp chí, Sài Gòn), Tiểu thuyết thứ Bảy (tạp chí, Hà Nội)... Từ năm 1945 đến năm 1954, ông tham gia phong trào cách mạng ở quê nhà, từng làm Ủy viên kịch nghệ thuộc Hội Văn nghệ Quảng Nam, Ủy viên kịch nghệ thuộc Hội Văn nghệ liên khu V. Sau năm 1954, ông ở lại Quảng Nam dạy giờ tại các trường tư và tiếp tục sáng tác. Năm 1955, ông bị bắt giam ở nhà lao Thừa phủ (Huế), vì tham gia phong trào đấu tranh đòi thống nhất đất nước. Ngoài công việc viết văn, ông còn dạy học tại các trường trung học tư thục Đà Nẵng, Đại học Văn khoa Huế, ...và sau nầy dạy thêm ở Đại Học Đà Nẵng (thành lập năm 1974). Ông qua đời ngày 4 tháng 7 năm 2007 tại Đà Nẵng.
Tác phẩm tiêu biểu
Ngày giỗ cha (tập truyện ngắn, 1943) Ngày cuối năm trên đảo (tập truyện ngắn, 1945) Bão rừng (tiểu thuyết, 1957) Dịch cát (tập truyện ngắn, 1966) Hương máu (tập truyện ngắn, 1969) Phong trào Duy Tân (biên khảo, 1969. Nxb Đà Nẵng tái bản, 1995) Kỳ nữ họ Tống (truyện lịch sử, 2002) Khi những lưu dân trở lại (khảo luận, 1967) Chinh phụ ngâm diễn âm tân khúc (khảo lục, 1971). Nguyễn Văn Xuân - Một người Quảng Nam (27 bài báo với nhiều thể loại, 2010)