Đang xử lý

Lương Văn Can

( 0 )

Lương Văn Can (1854 - 1927), hay Lương Ngọc Can, tự Hiếu Liêm và Ôn Như, hiệu Sơn Lão; là một nhà cách mạng Việt Nam, và là một trong số người sáng lập ra trường Đông Kinh Nghĩa Thục năm 1907.

Ông sinh năm Giáp Dần (1854) tại làng Nhị Khê, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay là xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội).

Vốn là con nhà nghèo, nên hồi còn trẻ, có lần ông phải đi làm thợ sơn trong vài tháng.

Sau khi học chữ Hán tại Hà Nội (ngày nay là nhà số 7 phố Trường Thi), năm 1871 đời Tự Đức, 17 tuồi, ông dự thi Hương, nhưng chỉ vào tới tam trường. Năm Quý Dậu (1873), quân Pháp đánh thành Hà Nội (lần thứ nhất).

Sau khi nghị hòa với họ, năm Giáp Tuất, (1874), triều đình Huế lại tổ chức thi Hương tại đây, và ông đã đỗ Cử nhân khoa này (nên khi tuổi cao, ông thường được gọi là cụ Cử Can).

Năm sau thi Hội, ông không đỗ (chỉ vào được một hai kỳ), được triều đình bổ làm Giáo thụ Phủ Hoài (tức Hoài Đức), nhưng ông từ chối. Sau chính phủ Pháp cử ông vào Hội đồng thành phố Hà Nội, nhưng ông cũng không nhận. Bởi ông thấy lúc bấy giờ "việc nước ngày càng nát, dẫu có ra làm nghị viên cũng chẳng thể bàn được gì ích lợi cho quốc dân, nên xin ở nhà dạy con học".

Sau đó, ông cưới vợ là bà Lê Thị Lễ (? - 1907), là con gái Tú tài Lê Anh Sơn ở làng Bình Vọng (nay thuộc xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội) , và không đi thi nữa. Đến năm 25 tuổi (1879), ông mở trường dạy học tại nơi ở (nhà số 4 phố Hàng Đào, Hà Nội).

Ngày 26 tháng 4 năm 1913, xảy ra vụ đánh bom khách sạn Hà Nội của Việt Nam Quang phục Hội. Cho là nhóm Đông Kinh Nghĩa Thục có liên quan, nên thực dân Pháp đã bắt Lương Văn Can giam ở nhà pha Hỏa Lò (Hà Nội). Trong số ấy, Lương Văn Can bị kết án biệt xứ, lưu đày sang Nam Vang (nay thuộc vương quốc Campuchia).

Hơn 8 năm sau, Lương Văn Can được giảm án, trở về Hà Nội ngày 25 tháng 11 năm 1921. Về nhà, thấy "nghĩa đảng tan lạc hết (nên) chỉ nghĩ chỉ đến việc làm sách". Tuy nhiên, sau đó ông lại tiếp tục mở trường Ôn Như, tức vừa dạy học vừa soạn sách.

Ngày 13 tháng 6 năm 1927 (Đinh Mão), ông qua đời tại Hà Nội, thọ 73 tuổi. Trước khi mất, ông dặn các con cháu: "Bảo quốc túy, tuyết quốc sĩ" (Giữ tinh hoa của nước, rửa nhục nước).

Tác phẩm tiêu biểu:

  • Quốc sự phạm lịch sử (Lịch sử quốc sự phạm)
  • Hán tự tiệp kính (Con đường tắt đến chữ Hán)
  • Ấu học tùng đàm (Tùng san bàn góp về việc học của trẻ thơ)
  • Gia huấn (Dạy người nhà)
  • Hán tự quốc âm (dùng chữ quốc ngữ ghi chữ Hán)
  • Hạnh đàm loại ngữ (trích dịch sách Luận ngữ)
  • Trâu thư loại ngữ (trích dịch sách Mạnh Tử)
  • Đại Việt địa dư (1 cuốn, xuất bản 1925 tại Hà Nội), viết bằng thể thơ lục bát nói về các tỉnh ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ.
  • Lương gia tộc phả (Gia phả họ Lương), chép gốc tích họ Lương ở làng Nhị Khê, ghi chép hành trạng của thân phụ, bản thân ông cùng các con là Lương Trúc Đàm, Lương Nghị Khanh, Lương Ngọc Quyến,...
  • Kim cổ cách ngôn
  • Thương học châm ngôn

Góc đối thoại

Chưa có nhận xét

Thảo luận