Đang xử lý

Kenneth Grahame

( 0 )

Kenneth Grahame là con trai thứ ba của cặp vợ chồng Cunningham và Bessie Grahame, sinh ra tại Edinburgh ở số 32 đường Castle vào ngày 8.3 năm 1859. Khi Kenneth chỉ mới một tuổi, cha ông nhậm chức quận trưởng ở Argyll; do đó, cả gia đình chuyển từ Edinburgh đến Argyll. Đầu tiên, họ sống ở Ardshaig trong khi chờ xây nhà mới. Căn nhà xây mất hơn hai năm và gia đình họ cũng sống một vài tháng ở Lochgilphead trước khi chuyển sang ngôi nhà mới ở Inveraray.

Niềm hân hoan trong ngôi nhà mới của họ chỉ là khoảng thời gian ngắn ngủi. Ít lâu sau sinh nhật lần thứ 5 của Kenneth, tháng 3 năm 1864, Roland-em trai ông chào đời nhưng vài ngày sau thì mẹ ông ngã bệnh vì chứng ban đỏ rồi qua đời sau đó vào ngày 4.4.1864. Bản thân Kenneth cũng mắc cùng chứng bệnh và phải cố gắng điều trị nhiều tuần trước khi khỏi bệnh.

Trong suốt giai đoạn ông bị bệnh, bà ngoại Inglis đã từ Berkshire lên Inveraray để chăm sóc ông. Sau khi Kenneth hồi phục, người ta thấy rõ ràng là cha ông, người chẳng kháng cự nổi chứng nghiện rượu không thể có khả năng chăm nom bốn đứa trẻ: Helen, Willie, Kenneth và Roland nữa. Vì thế, lũ trẻ đã chuyển đến vùng núi ở Cookham Dene, quê nhà của ngoại Inglis.

Dù có vài chuyện không vui, khoảng thời gian họ ở Cookham Dene dường như là những năm tháng hạnh phúc nhất của Kenneth. Ở đó có ngôi nhà cũ duyên dáng với một gác mái và khu vườn lớn mà bọn trẻ có thể chơi đùa. Dòng sông Thames lộng lẫy ở gần đấy đã nuôi dưỡng trong Kenneth một tình yêu suốt đời dành cho sông và việc chèo thuyền. Thế nhưng vào Giáng sinh năm 1865, sau gần hai năm sống tại đó, ống khói của ngôi nhà sụp đổ và bọn trẻ phải chuyển đến sống tại nhà tranh ở đồi Fern tại Cranbourne. Đó là một ngôi nhà nhỏ hơn nằm cách Cookham Dene và sông Thames vài dặm.

Suốt khoảng thời gian ở Cranbourne, cha họ đã cố gắng để vượt qua chứng nghiện rượu và sắp xếp sao cho bọn trẻ có thể quay về sống cùng ông tại Argyll. Hầu như suốt năm 1866, bọn trẻ sống tại ngôi nhà trước đây ở Inveraray. Cuối cùng, cha họ tái phát chứng bệnh cũ, phải rời bỏ lũ trẻ, công việc và Argyll để đến Pháp. Dường như từ đó, cũng không còn bất kì sự liên lạc nào giữa Cunningham Grahame và bốn người con của ông trong suốt hai mươi năm cuối đời ông. Cunningham Grahame mất tại Le Harve vào năm 1887 và Kenneth là một trong những người con duy nhất của ông xuất hiện tại tang lễ.

Bọn trẻ từ Argyll trở về Cranbourne và Kenneth đã sống ở đó đến khi ông bắt đầu theo học trường Thánh Edward tại Oxford năm 1868 ở tuổi gần lên 9. Dựa vào bài tiểu luận mà ông viết sau này có tên Oxford Through a Boy's Eyes (tạm dịch: Oxford qua góc nhìn của một cậu bé), chúng ta biết rằng ông học ở trường Thánh Edward vào những năm mà ngôi trường này vẫn còn nằm trên đường New Inn Hall và đồng thời ông cũng theo học tại một ngôi trường mới mở trên đường Woodstock. Những năm đầu của ông tại ngôi trường này là cả một thách thức nhưng sau khi rời khỏi trường Thánh Edward, ông nhận được rất nhiều tước hiệu về học vị và thể thao như: Head Boy, thủ lĩnh của the Rugby XV, giải thưởng the Sixth Form, giải the Divinity và giải thưởng cho văn xuôi Latin (the Prize for Latin Prose). Do đó, hoàn toàn không có gì phải nghi ngờ về khả năng học thuật của Kenneth khi vào học một chuyên ngành nào đó tại trường Oxford, ước mơ của ông là như thế. Nhưng chú ông-John Grahame lại từ chối cấp tiền cho ông học và K enneth bị buộc phải tìm một vị trí làm việc tại Ngân hàng Anh quốc (the Bank of England) để thay thế. Trong khi chờ một vị trí trống tại ngân hàng, ông làm công việc kinh doanh tại gia. Vào khoảng thời gian này, Kenneth sống tại Draycott Lodge ở Fullham với một người chú khác: Robert Grahame. Điều thú vị là, trong bài kiểm tra đầu vào ở Ngân hàng Anh quốc, Kenneth đã dành trọn số điểm cho phần tiểu luận tiếng Anh. Đây là một kết quả chưa bao giờ có ai đạt được trong lịch sử ngân hàng này cả trước và sau đó.

Hai năm sau đó, một vị trí tại Ngân hàng Anh quốc được để trống và vào tháng Giêng năm 1879, Kenneth đảm nhận vai trò là thư kí tại trụ sở chính của ngân hàng ở đường Threadneedle tại London. Vì từ Draycott Lodge đến ngân hàng là cả một khoảng cách đáng kể nên Kenneth chuyển đến sống tại nhà nghỉ trên đường Bloomsbury vào cùng thời điểm này.

Trong những năm đầu sống ở London, thậm chí trước cả khi ông bắt đầu làm việc tại Ngân hàng Anh quốc, Kenneth đã kết thân với một vài thủ lĩnh văn học tại đây và bắt đầu trở thành một gương mặt thân quen trong cộng đồng văn chương. Những gì ông viết ban đầu được giữ khá bí mật, với vài bài tiểu luận được in dưới một bút danh trong tờ St Edward's Chronicle, một tờ tạp chí trường học của ngôi trường mà ông theo học trước đây. Từ năm 1888, những bài tiểu luận bắt đầu xuất hiện dưới chính tên thật của ông ở những tờ tạp chí văn học như St James's Gazette, the National Observer và The Yellow Book. The National Observer, trước đây có tên là The Scots Observer, đã qui tụ nhiều những gương mặt nổi tiếng khác như Kipling, Shaw, Stevenson và Yeats. Rất nhiều bài tiểu luận của Kenneth đã được xuất bản lại như một tuyển tập dưới tên Pagan Papers vào năm 1893, ngay cái tên cũng cho thấy sự trân trọng ông dành cho thiên nhiên hơn bất cứ hình thức nào của những nghi lễ từ thời Trung cổ tàn nhẫn!

Trong những bài tiểu luận mà ông viết, có nhiều bài viết về một gia đình gồm những đứa trẻ mồ côi: Edward, Selina, Harold, Charlotte và một người kể chuyện ẩn danh. Những câu chuyện về bọn trẻ đó và những người bảo hộ chúng, được ví như những vị thần trên đỉnh Olympia mang màu sắc tự truyện của chính tác giả. Câu chuyện này xuất hiện trong ấn bản đầu tiên của Pagan Papers nhưng bị loại ra khỏi tất cả những bản in sau đó. Kenneth đã viết nhiều câu chuyện sâu hơn về những đứa trẻ này và vào năm 1895, một tuyển tập truyện ngắn được xuất bản dưới tên The Golden Age (tạm dịch: Thời vàng son). Dream Days (tạm dịch: Những ngày mơ mộng) một tập hợp gồm những truyện ngắn dài hơn về bọn trẻ được xuất bản vào năm 1898. The Golden AgeDream Days mặc dù để lại ấn tượng khá mờ nhạt khi đứng cạnh The Wind in the Willows (Gió qua rặng liễu) và không được đọc nhiều ngày nay, đã nhận được những lời khen ngợi lớn vào lần đầu tiên xuất bản.

Một truyện ngắn khác với tựa đề The Headswoman – là một áng văn trào phúng về người đao phủ - xuất hiện trên The Yellow Book vào năm 1894 và sau đó được xuất bản độc lập năm 1898. Dường như, quyển sách đã không nhận được sự chào đón nhiệt tình và cuối cùng, đó là quyển sách duy nhất mà Kenneth viết về người lớn và dành cho người lớn.

Trong khoảng thời gian này, Kenneth đã chuyển nhà nhiều lần – từ 65 Chelsea Gardens vào khoảng năm 1886, đến số 5 Kensington Crescent năm 1894 và 16 Durham Villas năm 1899. Ông cũng dành nhiều kì nghỉ của mình ở Cornwall và thị trấn ven biển của Fowey đã trở thành một trong những khu nghỉ dưỡng ưa thích của ông tại đây.

Năm 1897, Kenneth gặp Elspeth Thompson. Vào ngày 22.7.1899, họ kết hôn tại Fowey, cùng nhau hưởng tuần trăng mật tại St Ives. Đây là một cuộc hôn nhân không mấy hạnh phúc cho cả Kenneth và Elspeth. Mọi thứ trở nên tệ hơn khi Alastair, con trai duy nhất của họ, bị đẻ non vào ngày 12.5.1900, mất thị giác một bên mắt và mắt còn lại bị lác. Bất hạnh thay là gia đình Grahame không bao giờ nhận thức được đúng đắn về mức độ khuyết tật trên cơ thể của Alastair và cả trí tuệ trung bình của cậu bé. Họ, đặc biệt là Elspeth, sống trong thứ ảo tưởng mà họ tin rằng Alastair là một cậu bé tài năng.

Kenneth được đề bạt lên chức Thư kí công ty của Ngân hàng Anh quốc vào năm 1898, một vị trí hiển nhiên rất quan trọng, và ở độ tuổi 39, ông là một trong những người trẻ nhất nắm giữ vị trí này. Mặc dù, ông là một vận động viên chăm chỉ tại trường và luôn thích đi bộ, chèo thuyền trong suốt thời trai trẻ, Kenneth chưa bao giờ có sức khỏe thật sự tốt. Điều này có lẽ là do di chứng từ bệnh sốt ban đỏ mà ông đã trải qua sau khi mẹ ông mất. Những năm về sau, Kenneth thường xuyên vắng mặt ở ngân hàng những khoảng thời gian dài do bệnh.

Năm 1903, trong một biến cố lạ lùng, một người lạ đến văn phòng ngân hàng tại đường Threadneedle, hỏi tìm gặp Thống đốc. Vì Thống đốc vắng mặt, Kenneth với chức vụ là thư kí công ty đã gặp người đàn ông đó. Sau khi cả hai trao đổi một vài câu chào hỏi ngắn gọn, người lạ rút khẩu súng lục và bắn vài phát. May mắn là Kenneth không bị thương. Ông vẫn làm ở ngân hàng thêm một vài năm nữa sau “sự kiện tay súng” đó. Nhưng vấn đề sức khỏe cùng với cơn tỉnh mộng về những ảo tưởng dành cho ngân hàng đã thúc giục ông nghỉ hưu sớm vào tháng 6.1908.

Năm 1904, khi Alastair gần được 4 tuổi, ông thường kể những câu chuyện trước khi ngủ cho con nghe. Một trong số những câu chuyện đó là về Cóc, và những mẩu truyện đó đã trở thành nền tảng cho những chương sau cuối trong The Wind in the Willows. Ít lâu sau khoảng thời gian Kenneth kể những câu chuyện trước khi đi ngủ đó, ông đi du lịch một mình và tiếp tục viết sâu hơn truyện về Cóc trái khoáy, Chuột Chũi, Chuột Nước và Bác Lửng trong những lá thư viết cho Alastair. Sau này, những lá thư đó được Elspeth bảo quản và xuất bản trong cuốn First Whispers of the Wind in the Willows (tạm dịch: Những lời thì thầm đầu tiên của Gió qua rặng liễu) một vài năm sau khi Kenneth mất.

Sau khi Kenneth nghỉ hưu, gia đình Grahame dọn từ Durham Villas về sống tại ngôi nhà nông trại cũ ở Blewbury gần Didcot. Cuộc sống chuyển dịch với một nhịp độ thoải mái hơn và Kenneth có thời gian để hoàn thành The Wind in the Willows. Thật ngạc nhiên là nhà xuất bản đầu tiên đã từ chối bản thảo này và đến tận tháng 10 năm 1908, sau rất nhiều lần từ chối và một vài chiến dịch vận động tiên phong của tổng thống Roosevelt ở Mỹ, cuốn sách cuối cùng cũng được nhà xuất bản Methuen and Co ấn hành. Những người trong giới phê bình hi vọng cuốn sách này là tập 3, được viết cùng với kiểu văn phong như The Golden AgeDream Days đã không dành cho The Wind in the Willows nhiều lời khen ngợi. Đa phần đều cho cuốn tiểu thuyết này một đánh giá tiêu cực. Tuy nhiên, công chúng yêu thích tác phẩm này, và trong vòng vài năm cuốn tiểu thuyết đã được in lại rất nhiều lần. Và như thế, cuốn sách đã đi vào lịch sử văn học.

Tổng thống Theodore Roosevelt đến thăm Oxford vào năm 1910 và đã có một buổi diễn thuyết tại Nhà hát Sheldonian. Hiệu trưởng của trường cao đẳng Magdalen đã sắp xếp buổi thuyết trình và hỏi liệu Roosevelt có muốn gặp một ai đó ở đây không, Roosevelt đã đưa ra câu trả lời gồm ba hoặc bốn người, trong đó có Kenneth Grahame và Rudyard Kipling. Sau đó, Kenneth đã đến Oxford tham dự buổi diễn thuyết và trò chuyện cùng Roosevelt.

Mặc dù The Wind in the Willows đạt được thành công vang dội nhưng Kenneth lại có những vấn đề trục trặc trong gia đình, đặc biệt là những chuyện liên quan đến Alastair. Mặc dù gia đình Grahame cố gắng xây dựng những niềm tin ảo tưởng xoay quanh cậu bé, như thể cậu là một thiên tài, thông minh, một đứa trẻ đáng yêu trong khi sự thật phần nào đó lại khác hẳn và khi cậu bắt đầu học ở trường, sự thật đã trở nên quá hiển nhiên. Tiến trình học của cậu ở trường ngày càng có một lỗ hổng lớn và đặc biệt, việc cố gắng học để đạt được trình độ trí thức mà mẹ cậu mong đợi đã trở thành một gánh nặng khiến cậu không thể chịu đựng nổi. Sau quá trình học tập không thành công ở Rugby và Eton, cậu theo học tại Nhà thờ Christ ở Oxford. Vào ngày 7.5.1920, khi cậu đang theo học năm thứ hai tại đây, buổi chiều cậu đi bộ về từ trường băng ngang qua đường ray xe lửa giữa Oxford và Wolvercote. Người ta tìm thấy xác cậu trên đường ray buổi sáng hôm sau. Kết luận đưa ra là cái chết do tai nạn giao thông, nhưng hầu như suy xét trên tất cả các yếu tố để lại tại hiện trường đều cho thấy rằng nguyên nhân là tự sát. Gia đình Grahame hoàn toàn suy sụp. Sau đám tang, họ dành một khoảng thời gian dài đi du lịch nước ngoài gần như suốt 4 năm sau đó. Hầu hết thời gian họ đến Ý.

Sau The Wind in the Willows và sau cái chết của Alastair, Kenneth viết rất ít – chỉ những bài tiểu luận nhân dịp nào đó hoặc lời giới thiệu sách.

Vào năm 1924, gia đình Grahame chuyển đến Church Cottage trong một ngôi làng ở Pangbourne. Pangbourne rất gần Oxford và dường như Kenneth thường xuyên đến Oxford. Kì lạ là có rất ít ghi chép cho thấy ông quay trở lại London vào những năm này.

Vào ngày 6.7.1932, Kenneth qua đời tại nhà riêng ở Pangbourne do chứng xuất huyết não và ngày thứ bảy sau đó, ông được chôn tại nghĩa trang Holywell ở Oxford trong cùng một ngôi mộ với con trai Alastair. Vợ ông-Elspeth mất vào năm 1946.

Tác phẩm đã xuất bản ở Việt Nam

  • Gió qua rặng liễu, Nxb Hội Nhà văn & Nhã Nam, 2008

Góc đối thoại

Chưa có nhận xét

Thảo luận