Dazai Osamu
Dazai Osamu (19/6/1909 –13/6/1948) tên thật là Tsushima Shūji, là con thứ 8 trong một gia đình mười một người con, có cha là một chính trị gia, địa chủ ở Kanagi, phía bắc đảo Honshu. Dazai Osamu là một nhà văn Nhật Bản tiêu biểu cho thời kỳ vừa chấm dứt Thế chiến thứ Hai ở Nhật. Osamu sống và viết cùng một nghĩa như nhau, thành thực mà bi đát.
Cuộc đời Dazai Osamu là một cuộc đời lắm thăng trầm, từ một học sinh giỏi thời trung học, cùng bạn bè viết văn làm báo, cuộc đời ông thay đổi khi thần tượng văn học của ông lúc đó là nhà văn Akutagawa Ryūnosuke tự tử năm 1927. Ông lơ là việc học, phung phí chi tiêu của mình vào áo quần, rượu chè và gái mại dâm, tiếp cận với phe cánh tả đang bị chính quyền đàn áp lúc đó,... Ông tự tử nhiều lần vì nhiều lý do, có cả sự sợ hãi phải đối diện với thế giới bên ngoài và cả với chính bản thân mình. Ông bắt đầu sáng tác mạnh mẽ với bút danh Osamu Dazai kể từ truyện ngắn Ressha (Xe lửa 1933). Sau Thế chiến II, Dazai đã đạt tới đỉnh cao trong sự nghiệp viết văn của mình. Tháng 7 năm 1947, ông xuất bản tác phẩm Shayo (Tà dương), tác phẩm đưa ông lên hàng tác gia danh tiếng nhất đương thời.
Cùng năm đó, Dazai sáng tác tác phẩm Ningen Shikkaku (Thất lạc cõi người) với giọng văn thành thực đến tàn nhẫn, không có chỗ trống cho tình cảm, tiểu thuyết này trở thành một trong những tác phẩm kinh điển của Văn học Nhật Bản và được dịch ra nhiều thứ tiếng.
Sau truyện ngắn Guddo bai (Giã biệt) được sáng tác vào mùa xuân năm 1948, ngày 13 tháng 6 năm 1948, ông cùng Tomie – người đàn bà góa chồng đang chung sống cùng ông – tự tử chết ở hồ nước ngọt của sông Tamagawa. Các cơ quan chức năng không hề tìm thấy thi thể cho đến ngày 19 tháng 6, điều trùng hợp là đúng sinh nhật lần thứ 39 của ông. Mộ của ông được đặt tại ngôi đền ZENRIN-ji, tại Mitaka, Tokyo.
Dazai dùng lối viết giản dị như câu nói thường ngày. Tác phẩm của Dazai hàm chứa nỗi bi quan sâu đậm, điều không có gì lạ ở một người nhiều lần thực hiện hành vi tự tử. Các nhân vật tiểu thuyết của ông cũng quan niệm chuyện tự tử như cách duy nhất để thay thế cho đời sống địa ngục của họ, nhưng thường thất bại trong việc tự tử chính vì thái độ khinh bạc đối với sự sống hay chết.
Các tác phẩm chính của ông
- Thất lạc cõi người (dịch từ nguyên tác Nhật ngữ Ningenshikkaku), Hoàng Long dịch, Nxb Hội Nhà văn và Công ty Phương Nam, 2011
- Tà dương (dịch từ nguyên tác Nhật ngữ Shayo), Hoàng Long dịch, Nxb Hội Nhà văn và Công ty Phương Nam, 2012.
- Một trăm cảnh núi Phú Sĩ (dịch từ nguyên tác Nhật ngữ Phú Nhạc bách cảnh), Hoàng Long dịch,
- Tám cảnh sắc Tokyo (dịch từ nguyên tác Nhật ngữ Đông Kinh bát cảnh), Hoàng Long dịch,
- Một ngày trọng đại (dịch từ nguyên tác Nhật ngữ Ngày tám tháng mười hai), Hoàng Long dịch,