Jonas Lie
Jonas Lauritz Idemil Lie (1833 –1908): tiểu thuyết gia, được xem là một trong bốn nhà văn lớn nhất của Na Uy vào thế kỷ 19.
Ông chào đời ở Hokksund, Eiker, quận Buskerud thuộc miền Nam Na Uy. Ngay sau đó, cha ông được bổ nhiệm làm cảnh sát trưởng của vùng Tromsø, nằm trong Vòng Bắc Cực (vĩ tuyến 66°30), và cậu bé Jonas Lauritz Edemil Lie đã trải qua sáu năm đầy ấn tượng ở vùng hải cảng miền bắc xa xôi đó.
Lie được gửi tới học ở một trường hải quân ở Fredriksvỉrn, nhưng do thị lực kém, ông đành phải giã từ cuộc đời ngang dọc trên biển cả. Sau đó, ông tới học ở một trường Latin ở Bergen, và nhập học tại Đại học Cơ Đốc Giáo vào năm 1851, ở đó ông đã làm quen với Ibsen và Bjornson. Năm 1857 ông tốt nghiệp luật khoa, sau đó ít lâu bắt đầu tập sự tại Kongsvinger, một thị trấn nằm giữa hồ Mjosa và Thụy Điển.
Do vùng đó vắng thân chủ, có nhiều thời giờ rảnh rỗi, ông bắt đầu viết báo và trở thành cộng tác viên thường trực cho một số tờ tạp chí Cơ Đốc Giáo. Tác phẩm đầu tay của ông là một tập thơ công bố năm 1866 nhưng không thành công mấy. Trong bốn năm kế tiếp ông tập trung hoàn toàn vào nghề báo, làm việc hết mình mà không cần tưởng thưởng, nhưng nhờ đó ông đã thủ đắc được bút pháp của một nhà văn trẻ và tạo dựng được một văn phong hữu dụng cho sự nghiệp sau đó của ông. Năm 1860, ông xuất bản quyển Den Fremsynte (Phong cảnh hoặc Những bức tranh từ Miền Bắc), một câu chuyện thu hút về biển cả và những truyền thuyết quái dị ở miền bắc Na Uy. Nhờ một món tiền trợ cấp nhỏ của chính phủ, ngay lập tức ông lên đường tới Rome để tìm kiếm sự tương phản lớn nhất giữa Châu Âu và miền đất thời thơ ấu của mình. Ông sống một thời gian ở miền bắc nước Đức, rồi chuyển tới Bavaria, rồi tới Paris. Năm 1882 ông về thăm Na Uy một thời gian rồi quay lại Châu Âu. Sự lưu đày tự nguyện khỏi quê nhà của ông chấm dứt vào mùa xuân năm1893, khi ông định cư hẳn ở Holskogen, gần Kristiansund. Từ đó, các sáng tác của ông ngày càng phong phú.
Jonas Lie qua đời ở Stavern ngày 5-6-1908.
Trong các tác phẩm hay nhất của ông có thể kể quyển Gia đình Gilje, được so sánh ngang hàng với các tác phẩm của những nhà văn Anh như Austen và Bronte. Ngoài ra, còn có hai tuyển tập truyện ngắn có tên là Những khúc ca thần thoại (một số câu chuyện trong hai tập đó đã được R. Nisber Bain tuyển chọn và đưa vào Những câu chuyện kỳ bí vùng biển bắc), kể về những truyền thuyết quái lạ của ngư dân và thường dân vùng duyên hải Bắc Na Uy.