William Somerset Maugham
William Somerset Maugham (phát âm /ˈmɔːm/ mawm-'), (25.1.1874 – 16.12.1965) là nhà văn, kịch tác gia người Anh. Ông là một trong những nhà văn nổi tiếng, được ưa chuộng nhất trong thời đại của mình, và là tác giả được trả tiền nhuận bút cao nhất trong thập niên 1930.
Cha của Maugham là luật sư "Robert Ormond Maugham", phụ trách các vấn đề pháp lý của Đại sứ quán Anh tại Paris, Pháp. Vì luật của Pháp qui định mọi trẻ em sinh trên đất Pháp đều phải đăng ký thi hành nghĩa vụ quân sự, nên cha ông thu xếp cho ông được sinh ra trong Đại sứ quán Anh, về kỹ thuật là thuộc đất Anh. Ông nội của Maugham cũng là một luật sư trứ danh và là người đồng sáng lập English Law Society (Hội luật pháp Anh) vì thế việc anh em Maugham nối gót theo bước chân của ông nội và cha được cho là điều tất nhiên. Người anh của William là tử tước Maugham có sự nghiệp luật pháp xuất sắc và làm Lord Chancellor các năm 1938 và 1939.
Mẹ của ông là bà Edith Mary (nhũ danh Snell) bị bệnh lao, bà sinh William nhiều năm sau khi sinh 3 người con đầu. Khi William lên 3 tuổi thì các người anh của ông đều đã vào học trong trường nội trú; còn ông là con ít tuổi, được nuôi dạy như là cậu con một.
Người con trai thứ 6 và là con út của bà Edith chết ngày 25.1.1882, một ngày sau khi được sinh ra, đúng vào ngày kỷ niệm sinh nhật thứ 8 của Maugham. Bà Edith chết vì bệnh lao sau đó 6 ngày tức là ngày 31.1.1882 ở tuổi 41. Cái chết sớm của người mẹ khiến cho Maugham bị chấn thương tâm thần; ông đã giữ tấm hình mẹ bên mình suốt cuộc đời còn lại. Hai năm sau cái chết của bà Edith, thì cha của Maugham cũng qua đời vì bệnh ung thư.
Maugham được đưa trở về Anh cho người chú là "Henry MacDonald Maugham" - một mục sư coi xứ đạo Whitstable ở Kent - trông nom. Việc di chuyển này đã làm hại cậu bé, vì người chú Henry Maugham tỏ ra lạnh lùng và độc ác về tình cảm. Cậu bé theo học ở The King's School, Canterbury, cũng là một khó khăn cho cậu. Cậu đã bị trêu chọc vì kémtiếng Anh (tiếng Pháp là ngôn ngữ thứ nhất của cậu) và tầm vóc thấp, mà cậu thừa hưởng từ cha mình. Maugham bắt đầu mắc tật nói lắp, kéo dài suốt đời, dù rằng chỉ thỉnh thoảng và tùy theo tâm trạng hay hoàn cảnh.
Bị khốn khổ ở nhà của chú của mình và ở trường, chàng trai Maugham bắt đầu phát triển một cái tài khéo đưa ra những nhận xét gây tổn thương cho những người mà cậu không ưa. Cái tài này đôi khi được phản ánh trong các nhân vật văn học của Maugham. Khi lên 16 tuổi, Maugham không chịu tiếp tục học ở trường King’s School nữa, chú của ông cho phép ông sang Đức để học tiếng Đức, văn học và triết học tại Đại học Heidelberg. Trong những năm ở Heidelberg, Maugham đã gặp và có mối quan hệ tình dục với John Ellingham Brooks, một người Anh lớn hơn ông 10 tuổi. Ông cũng viết quyển sách đầu tiên của mình ở Heidelberg, quyển tiểu sử nhà soạn nhạc opera Giacomo Meyerbeer.
Khi trở về Anh, người chú đã tìm cho Maugham một việc làm trong phòng kế toán, nhưng sau 1 tháng, ông đã bỏ việc và trở về Whitstable. Người chú của ông tìm kiếm một nghề mới cho ông. Người cha và 3 người bác của Maugham đều là luật sư danh tiếng, nhưng Maugham yêu cầu được miễn đi theo bước chân của họ. Ông cũng từ chối việc làm tronggiáo hội Anh giáo, vì một giáo sĩ nói lắp thì sẽ biến gia đình thành trò cười cho thiên hạ. Người chú của ông thì không chịu cho ông làm việc trong ngành dân chính, chẳng phải vì tình cảm hay sự quan tâm của chàng trai trẻ, mà vì ông cho rằng ngành dân chính đã không còn là nghề nghiệp cho một nhà quí phái; một luật mới đòi những người xin việc phải qua một kỳ thi nhập ngạch. Vị bác sĩ địa phương đề nghị nghề y khoa và người chú của Maugham đồng ý. Maugham đã viết đều đặn kể từ khi 15 tuổi và nhiệt thành mong ước trở thành một nhà văn, nhưng vì chưa tới tuổi thành niên, nên ông tự kiềm chế không nói với người giám hộ (=chú) của mình. Trong 5 năm sau đó, ông học ngành y học tại Bệnh viện thánh Thomas ở Lambeth, London.
Một số nhà phê bình cho rằng những năm Maugham học ngành Y là một sự bế tắc sáng tạo, nhưng Maugham lại cảm thấy ngược lại. Ông sống trong thành phố lớn London, gặp các người thuộc tầng lớp thấp mà ông không gặp ở những nơi khác, và quan sát họ vào lúc họ lo âu cao độ cùng ý nghĩa trong cuộc sống của họ. Khi đã trưởng thành chín chắn, ông nhớ lại giá trị kinh nghiệm của mình khi còn là sinh viên y khoa: "Tôi đã thấy người ta chết như thế nào. Tôi đã thấy họ mang nỗi đau đớn ra sao. Tôi đã thấy hy vọng, sự sợ hãi và sự giảm bớt lo âu trông giống như cái gì..."
Maugham có thuê một phòng riêng, thích trang trí trong phòng, ghi chép các ý tưởng văn học vào nhiều sổ tay, và tiếp tục viết hàng đêm cùng với việc học y khoa của mình. Năm 1897 ông giới thiệu tác phẩm thứ nhì của mình, quyển Liza of Lambeth, một truyện về việc ngoại tình của giai cấp công nhân và hậu quả của nó. Chuyện này lấy những chi tiết từ kinh nghiệm của ông khi là sinh viên y khoa làm việc hộ sản ở Lambeth, một khu ỏ chuột của London.
Tiểu thuyết này thuộc trường phái hiện thực xã hội của các nhà văn khu ổ chuột như George Gissing và Arthur Morrison. Maugham đã viết thẳng thắn ngay gần phần mở đầu: "... Không thể luôn luôn đưa ra những lời lẽ nguyên vẹn chính xác của Liza và những nhân vật khác trong truyện; vì thế, khẩn khoản xin người đọc - bằng ý nghĩ của mình – hãy ghép nối lại các câu không hoàn chỉnh cần thiết trong đối thoại."
Quyển Liza of Lambeth đã được cả các nhà phê bình lẫn công chúng yêu thích, và ấn bản đầu đã bán hết trong khoảng vài tuần lễ. Thành công này đã thuyết phục Maugham – lúc đó đã đậu bằng bác sĩ y khoa - bỏ nghề thầy thuốc, bước vào sự nghiệp nhà văn trong suốt 65 năm. Về việc bước vào nghề viết lách, sau này ông nói rằng: "Tôi bước vào đó như con vịt lao xuống nước."
Cuộc sống của nhà văn đã cho phép Maugham đi đây đi đó và sống ở những nơi như Tây Ban Nha và Capri trong suốt thập kỷ sau, tuy nhiên 10 tác phẩm tiếp theo của ông không thể sánh với sự thành công của quyển Liza of Lambeth. Điều này đã thay đổi đáng kể vào năm 1907 với thành công kỳ lạ của vở kịch "Lady Frederick" của ông. Trong năm sau, ông đã có 4 vở kịch được trình diễn cùng một lúc ở London, và tạp chí Punch đã đăng một tranh hoạt họa Shakespeare cắn móng tay vì lo lắng khi ông ta nhìn vào các bảng quảng cáo kịch của Maugham.
Quyển tiểu thuyết kinh dị siêu tự nhiên của Maugham mang tên The Magician (1907) mà nhân vật chính dựa trên nhân vật Aleister Crowley, một người nổi tiếng và hơi tai tiếng. Crowley đã phạm một vài lỗi trong xử lý vai chính, Oliver Haddo (biệt hiệu của Aleister Crowley). Cảm thấy hơi bị phỉ báng, Crowley đã viết bài chỉ trích gay gắt quyển tiểu thuyết và cáo buộc Maugham tội đạo văn trong một bài phê bình được đăng trong tạp chí Vanity Fair. Tuy nhiên, tiếng tăm của Maugham đã không bị ố bẩn vì lời chỉ trích trên.