Đang xử lý

Kurt Vonnegut

( 0 )

Kurt Vonnegut sinh ngày 11.11.1922, mất ngày 11.4.2007. 

Kurt Vonnegut là một nhà văn Mỹ, được biết đến nhiều nhất về khuynh hướng hoà bình và nhân bản trong văn phong khôi-hài-đen và hậu-hiện-đại. Tác phẩm của ông được ghi vào giáo trình trung và đại học Mỹ, ảnh hưởng đến nhiều nhà văn thời danh trên thế giới.

Kurt Vonnegut sinh năm 1922 đúng vào ngày 11/11 kỷ niệm chấm dứt Đệ nhất Thế chiến, ở Indianapolis, Tiểu bang Indiana, trong một gia đình giàu có, nhưng trở nên nghèo túng vì cơn Đại Khủng hoảng Kinh tế 1929. Từ thời trung học, ông đã sớm tham gia vào sinh hoạt báo chí, và ở đại học Cornell, tỏ ra có khả năng về văn chương hơn hoá học - sinh vật học là ngành ông chọn.

Ông đăng lính năm 1943, năm sau, tham gia trận đánh lịch sử Battle of the Bulge và bị bắt làm tù binh ở Dresden. Tháng 2, 1945, lực lượng Đồng Minh oanh tạc Dresden, giết 135 ngàn người dân thường. Ông và bạn tù thoát chết nhờ nấp trong hầm một trại tù có tên là Lò Sát Sinh.

Về Mỹ, ông vừa theo học đại học Chicago, vừa làm phóng viên hình sự cho nhà báo. Truyện ngắn đầu tay của ông ra mắt người đọc năm 1950 khi ông ở New York. Tiểu thuyết đầu tiên, Player Piano [Piano Tự Động], xuất bản năm 1952; ông viết truyện ngắn đăng ở nhiều tờ báo, vừa dạy tiếng Anh cho trẻ tâm tính bất thường.

Sự nghiệp văn chương của ông tăng tiến mạnh trong thập niên 60, cuốn tiểu thuyết thứ 6 và nổi tiếng nhất của ông, Slaughterhouse-Five [Lò sát sinh Số 5] xuất bản năm 1968.

Những năm đầu thập niên 70, ông được mời đón như tiếng nói của thế hệ sinh viên, bận rộn công việc dạy viết văn ở đại học Harvard, soạn kịch trình diễn ở Broadway, và viết tiểu thuyết.

Thập niên 90, ông còn được biết đến như một hoạ sĩ của những bức tranh trừu tượng và những chân dung tự hoạ khôi hài...

Năm 1999, Hội Lịch Sử Indiana vinh danh ông là “Indiana Living Legend” (Huyền Thoại Sống của Tiểu bang Indiana).

Ông thụ phong danh hiệu “State Author” (Tác Giả Của Tiểu Bang) 2001-2003 của New York. Các tác phẩm tiêu biểu của Kurt Vonnegut là:

  • Slaughterhouse-Five [Lò sát sinh Số 5], 1968; quay thành phim năm 1972, đạo diễn George Roy Hill, tài tử Michael Sacks, Ron Leimann và Valerie Perrine
  • Cat's Cradle [Nôi cho mèo], 1963
  • Breakfast of Champions [Món điểm tâm của các nhà vô địch], 1973, cơ sở cho một phim có các tài tử Bruce Willis, Albert Finney, Nick Nolte
  • Jailbird [Người tù], 1979
  • Deadeye Dick [Dick mù], 1982
  • Galapagos [Đảo Galapagos], 1985
  • Bluebeard [Râu xanh], 1987
  • Hocus Pocus [Trò bịp], 1989
  • Timequake [Khe hở thời gian], 1997

 

Tác phẩm của ông châm biếm những tệ đoan của con người và xã hội đương thời. Ông châm chích vào những hành vi phi-nhân-hoá trong xã hội kỹ-thuật-cao: con người trở thành cái máy làm tình thay vì thể nghiệm tình yêu, ưa chuộng sách khiêu dâm thay vì văn chương; thói kỳ thị màu da: xếp dân da đen vào loại người hạng thấp; thói kỳ thị phái tính: khinh miệt vai trò và công việc của phái nữ; thói cường điệu đến cực đoan những chiêu bài nhân bản: bình đẳng, dân sinh; thói sa đoạ vì quyền lợi mà tàn phá môi sinh.

Qua kinh nghiệm quân nhân đã trực diện với cái chết, ông cổ xướng khuynh hướng hoà bình. Ông chống những chiến-tranh-chỉ-vì quyền-lợi của một quốc gia hay tập đoàn chính trị kinh tế nào. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, Slaughterhouse-Five [Lò Sát Sinh Số 5] dựa trên kinh-nghiệm-bản-thân suýt chết vì Đồng Minh oanh tạc, là lời kêu gọi khẩn thiết suy nghĩ về việc lạm dụng chiến tranh của các nhà cầm quyền, và sự tàn sát, hủy diệt không phân biệt của chiến tranh hiện đại. Để có thể đảo ngược thời chiến trở lại thời bình, như nhân vật chính trong truyện đã xem phim chiếu ngược: máy bay Mỹ bị bắn rớt đã lành lặn lại, bay lui đuôi trước đầu sau về Mỹ, và được tháo ra thành các vật liệu rời; còn Hitler trẻ lại thành con nít, rồi em bé sơ sinh xong biến mất từ phôi thai.

Ông tự nhận là humanist — người theo chủ nghĩa nhân bản, “một phần có nghĩa là, tôi đã cố gắng ứng xử tử tế xứng đáng không vì kỳ-vọng nào về phần thưởng hay trừng phạt ở đời sau,” và là freethinker — người suy nghĩ tự do, không bị ràng buộc vì tín niệm tôn giáo hay gì khác, nhưng vẫn trân trọng những điều rao giảng tốt lành của các tôn giáo. Ông cho rằng người Mỹ càng ngày càng sống cô lập, mất đi hỗ trợ của gia tộc rộng lớn vẫn còn có trong nếp sống của các dân tộc ngoài Âu-Mỹ. Những tranh chấp về quyền lợi, tiền bạc, tình dục, con cái… giữa vợ chồng Mỹ sẽ không đến nỗi gay gắt hay nan giải, nếu có được hỗ trợ từ gia tộc mở rộng của cả hai bên.

Ông vận dụng các thủ pháp hậu-hiện-đại và khoa-học giả-tưởng. Thời gian trong tác phẩm của ông phi-tuyến-tính, thậm chí “chaotic” (rối tung), và có cả những khe hở, người nào lọt xuống sẽ rơi ngược về quá khứ rồi sống trở lại những năm tháng cũ, như một diễn viên sân khấu, biết trước kết cuộc nhưng vẫn phải giả bộ không biết, để đóng cho trọn vai trò của mình trên đời. Nhiều tác phẩm được thiết định trong những khung cảnh và điều kiện cực đoan tưởng chừng như khoa học giả tưởng, nhưng thực ra phần nào cũng đã hoặc đang được thi hành đâu đó trên thế giới hiện tại. Chẳng hạn: chính sách triệt sản để giữ mức thiết định dân số, chính sách giao việc quản lý tù nhân cho công ty tư nhân ngoại quốc... Có tác phẩm được viết với giọng giải thích cho trẻ nhỏ bằng những câu văn ngắn gọn dễ hiểu, có thêm những hình vẽ nhỏ để minh hoạ cụ thể. Nhưng cũng trong tác phẩm ấy, ông dùng cả những chữ thường bị cho là thô tục, diễn tả cả những hình tượng không thanh tao chút nào. Ông ưa dùng giọng văn châm biếm hài hước để diễn đạt những ý sâu sắc, nhận định về chiến tranh, xã hội, tình yêu và đời sống. Những lời văn bỡn cợt mạnh bạo của ông được người đọc cho là có “răng bén cắn mạnh vào lương tâm.”

Chính ông, hay phân-thân của ông, xuất hiện trong nhiều tác phẩm trong nhân vật Kilgore Trout, một nhà văn không còn xuất bản sách, lang thang đây đó, gặp gỡ, trao đổi ý kiến với các nhân vật chính, hay cả với tác giả, tương tự như đạo diễn Mỹ Alfred Hitchkock thường xuất hiện trong các vai phụ thoáng qua trong các phim của mình.

Với kinh nghiệm và sự nghiệp văn học trên 50 năm, ông được xem là một Mark Twain đương đại, ngay cả bộ ria mép và văn phong khôi-hài-đen cũng rất giống với văn hào nầy.

Năm 2005, ông xuất bản A Man Without a Country [Một người vô tổ quốc] châm biếm chính quyền Bush, chiến tranh Iraq, xã hội kỹ nghệ và người dân Mỹ dễ dàng thuần phục, thiếu ý thức phản kháng. Cuốn tiểu thuyết mỏng nầy trở thành một best-seller trong năm, ông xem là “một ly sâm-banh ngon ở cuối đời.” Ngày 11/04/2007, ông qua đời tại New York vì thương tích ở não, hưởng thọ 84 tuổi.

Góc đối thoại

Chưa có nhận xét

Thảo luận